Đối ngoại Kim Thái Tổ

Tượng Hoàn Nhan A Cốt Đả tại quảng trường Bảo tàng Lịch sử Kim Thượng Kinh.

Ngoài tài lãnh đạo quân sự phi phàm, A Cốt Đả còn là người có con mắt nhìn xa trông rộng trong lĩnh vực chính trị. Song song với chiến tranh chống Liêu, ông đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng nhằm ổn định thế cục trong nước và cũng là để tránh sự quấy rối từ bên ngoài, từ đó tập trung sức mạnh đánh Liêu. A Cốt Đả đã thực thi một loạt chính sách chính trị với trọng tâm "lấy dân làm gốc", do đó đã thu được hiệu quả rõ rệt.[18]

Đối với các bộ tộc bị áp bức bóc lột và dân lành Khiết Đan, A Cốt Đả đã chọn chính sách "vỗ về", hơn nữa khích lệ họ yên tâm sản xuất, còn đối với tầng lớp quý tộc Khiết Đan, ông quán triệt chính sách "kháng cự sẽ tiêu diệt, quy phục hưởng khoan hồng". Những người không chống đối, A Cốt Đả đều miễn tội, cho họ giữ nguyên chức vụ cũ. Với những người Hán theo Liêu thì ông lại chọn chính sách thu nạp nhân tài, chọn ra những địa chủ tài giỏi và phần tử tri thức người Hán để tham gia công cuộc xây dựng chính quyền nước Kim. Đối với các nước láng giềng, A Cốt Đả đã thiết lập quan hệ tốt đẹp với Cao Ly, Tây Hạ, Bắc Tống. Những chính sách được áp dụng ngay từ sau khi lập quốc đã giúp nước Kim củng cố chính quyền và chờ thời cơ tiêu diệt triều Liêu.[18]

A Cốt Đả tuy rất căm hận triều Liêu, nhưng đối với Nhà Tống lại có mối quan hệ tốt đẹp, lúc kiến quốc ban đầu từng có hữu ý liên hợp với Tống, chỉ tới các đời đế vương nhà Kim sau này mới đối địch với triều Tống. Theo quyển Tĩnh Khang bại sử tiên chứng ghi chép thì người con thứ hai của ông là Hoàn Nhan Tông Vọng từng nói rằng: "Thái Tổ cấm ta phạt Tống, lời nói vẫn còn bên tai".[19] Nhà Tống theo như minh ước chỉ đòi lại vùng Yên Kinh[20] với Tây Kinh[14], đại thần nước Kim là Tả Xí Cung (thời Trương Giác chống Kim bị giết) đã khuyên A Cốt Đả không nên trao trả Yên Vân thập lục châu nhưng ông vẫn làm đúng theo điều ước trả lại Yên Kinh, Trác Châu, Dịch Châu, Đàn Châu, Thuận Châu, Cảnh Châu, Kế Châu trong Yên Vân thập lục châu.[21] Trong số đó có Cảnh Châu[22] tuy nằm bên trong Trường Thành nhưng không thuộc mười sáu châu Yên Vân mà Thạch Kính Đường đã cắt nhường cho Liêu. Dịch Châu[23] vào năm Thống Hòa thứ bảy nhà Liêu (989) đoạt từ bên Tống,[24] cũng không được tính là một trong mười sáu châu. Hai châu Mạc, Doanh thì sớm được thu hồi và là trị sở phủ Hà Gian của Bắc Tống. Như vậy là bảy châu nằm trong Thái Hành Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây gồm Yên, Trác, Đàn, Thuận, Kế, Mạc, Doanh đều được trả lại cho Tống triều. Chỉ trừ chín châu ngoài Thái Hành Sơn là Nho, Quy, , Tân, Úy, Ứng, Hoàn, Sóc, Vân còn đang bị hai nước Liêu Kim tranh đoạt nên Kim Thái Tổ không thể trao trả được.